Theo báo cáo tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, ga Nam Định sẽ được đặt tại phường Hưng Lộc (TP Nam Định, tỉnh Nam Định).
Vị trí này tạo ra một số ý kiến trái chiều vì khiến cho hướng tuyến đường sắt tốc độ cao đi vòng về phía đông.
Những ý kiến tranh luận
Sau khi nhìn hướng tuyến đường sắt tốc độ cao được đăng tải trên báo Dân trí, độc giả Hai Ksxd bình luận: “Giữa Phủ Lý và Nam Định cách nhau 23km mà phải đi ngang thì sao không bỏ Nam Định rồi đi thẳng cho đỡ tốn kém có hiệu quả hơn không?”
Ý kiến này vấp phải những phản đối. “Bạn có biết ga Nam Định dân số quanh khu vực Nam Định, Thái Bình và cả phía nam Hà Nam tổng khoảng 4 triệu dân không? Không phải tự nhiên mà từ xa xưa đường sắt đã ở Nam Định”, độc giả Trình Văn Lâm bình luận.
Bạn đọc Việt Hà cũng góp ý: “Nhìn trên bản đồ đất nước để thấy vùng phình to nhất là Bắc Bộ thì việc đi ngang (hay gần ngang) là hiển nhiên thôi bạn, còn sau đó tàu sẽ di chuyển cơ bản theo phương thẳng của dặm dài đất nước”.
Những băn khoăn về hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua tỉnh Nam Định không phải là không có cơ sở. Dù cả Bộ Chính trị và Trung ương đều đã thống nhất phương án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đi qua 20 tỉnh thành (trong đó có Nam Định), nhưng vị trí ga Nam Định sẽ đặt ở đâu trên địa bàn tỉnh là vấn đề cần bàn.
Trong thông báo kết luận về báo cáo tiền khả thi dự án, Hội đồng Thẩm định nhà nước đã đề nghị Bộ GTVT giải trình rõ việc xác định hướng tuyến theo yêu cầu “thẳng nhất có thể”, đặc biệt là đoạn tuyến qua tỉnh Nam Định.
Nhìn trên bản đồ hướng tuyến, đường sắt tốc độ cao sau khi đi qua ga Phủ Lý (Hà Nam) sẽ gần như đi ngang sang phía đông, hướng về trung tâm TP Nam Định rồi mới xuôi về phía nam đến Ninh Bình.
Theo tính toán của Bộ GTVT, phương án hướng tuyến kết nối trung tâm thành phố Nam Định khiến chi phí đầu tư tăng thêm khoảng 476,33 triệu USD và chi phí vận hành khoảng 20,36 triệu USD (xét cả chu kỳ dự án khoảng 30 năm).
Nhưng nếu không đầu tư xây dựng ga khách này, chi phí tiêu tốn cho việc di chuyển từ trung tâm thành phố đến vị trí ga Phủ Lý hoặc ga Ninh Bình sẽ tăng thêm khoảng 1.632,96 triệu USD.
Kiến nghị giữ ga Nam Định
Ngày 14/10, UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT (cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định Nhà nước) để nêu ý kiến về vị trí ga Nam Định trong hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Địa phương này cho biết Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng tầm nhìn 2050 đã xác định TP Nam Định là trung tâm tiểu vùng phía nam, gắn với hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình, là đầu mối liên kết vùng về đường sắt Bắc – Nam và đường sắt kết nối Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh.
“Việc điều chỉnh hướng tuyến và vị trí nhà ga sẽ không chỉ phá vỡ hệ thống quy hoạch của tỉnh Nam Định mà còn ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân của địa phương và khu vực các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình…”, UBND tỉnh Nam Định nêu vấn đề.
Do đó, địa phương đề nghị giữ nguyên hướng tuyến và vị trí nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua tỉnh Nam Định tại địa bàn phường Hưng Lộc như đã nêu trong báo cáo tiền khả thi.
Trong ý kiến gửi Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT cũng cho biết thành phố Nam Định có quy mô dân số quy hoạch đến năm 2040 là 600.000 dân; vùng hấp dẫn các địa phương lân cận trong khu vực đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên… lên đến khoảng 4 triệu người.
Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua thành phố Nam Định đã được nghiên cứu đảm bảo phù hợp quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch các vùng và quy hoạch tỉnh; trong đó, thành phố là đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn (theo dự báo đến năm 2050 nhu cầu đi và đến ga Nam Định khoảng gần 3 triệu khách/năm).
Phương án hướng tuyến qua 20 địa phương trên hành lang Bắc – Nam, bao gồm cả đoạn qua Nam Định, đã được Bộ Chính trị thống nhất và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua ngày 20/9.
Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị giữ nguyên phương án tuyến đoạn qua Nam Định như hiện nay. Trong bước tiếp theo, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo chủ đầu tư tiếp tục tối ưu hướng tuyến thẳng nhất có thể.