Căn cước điện tử là gì?
Căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử (VNeID) do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập. Đây là định nghĩa về căn cước điện tử được đề cập tại khoản 17 Điều 3 Luật Căn cước 2023 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024).
Các thông tin trên căn cước điện tử bao gồm nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, đặc điểm nhận dạng, ngày cấp CCCD/căn cước gần nhất, nhóm máu, nghề nghiệp (trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu), số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử, thông tin gia đình, người đại diện hợp pháp, người được đại diện…
Theo quy định, căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác để thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch, các hoạt động khác.
Cách sử dụng căn cước điện tử trên ứng dụng VNeID
Đầu tiên, bạn cần cài đặt hoặc cập nhất ứng dụng VNeID trên điện thoại lên phiên bản mới nhất (cài đặt và cập nhật trên kho ứng dụng CH Play với điện thoại Android và App Store với điện thoại iOS). Lưu ý, người dân không nên làm theo hướng dẫn của những người gọi qua điện thoại, tự xưng là cán bộ công an hoặc các cơ quan nhà nước khác đề nghị cập nhật VNeID, cập nhật căn cước, định danh điện tử; không truy cập vào các đường link lạ hay cài đặt ứng dụng VNeID qua file apk.
Sau khi quá trình cài đặt, cập nhật hoàn tất, bạn có thể mở ứng dụng VNeID và đăng nhập tài khoản (sử dụng số CCCD/căn cước và mật khẩu).
Chọn mục Thẻ căn cước/CCCD, nhập passcode (mật mã) để xác thực thông itn.
Trang mới hiện ra, hãy nhấn vào mục Căn cước điện tử. Toàn bộ thông tin cá nhân, đặc điểm nhận dạng sẽ hiển thị trên màn hình.
5 trường hợp bị khóa căn cước điện tử
Theo Điều 34, Luật Căn cước 2023, 5 trường hợp bị khóa căn cước điện tử bao gồm:
– Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa
– Khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia
– Khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước
– Khi người được cấp căn cước điện tử chết
– Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.