(Dân trí) – Không ít căn nhà tập thể tại Hà Nội có diện tích nhỏ nhưng được rao bán với giá 100-150 triệu đồng/m2.
Giá nhà tập thể ngang ngửa chung cư hạng sang
Từ đầu năm tới nay, giá chung cư, nhà liền kề, biệt thự, nhà trong ngõ… tại Hà Nội đã tăng rất mạnh. Bên cạnh đó, giá rao bán nhà tập thể cũng khiến không ít người choáng váng khi lên tới hàng trăm triệu đồng/m2.
Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, khu tập thể số 11 Vọng Đức (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) được xây dựng khoảng năm 1960, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện giá nhà tại khu tập thể này đang được rao bán với mức 130-150 triệu đồng/m2.
Chẳng hạn, một căn nhà tập thể có diện tích chỉ 15,4m2 đang được rao bán với giá 2,15 tỷ đồng, tương đương gần 140 triệu đồng/m2. Theo giới thiệu của người bán, mức giá của căn nhà tập thể này có thể nói là thấp nhất thị trường. Căn nhà có thể cơi nới thêm diện tích rộng hơn.
Tại khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), một số căn nhà đang được rao bán với mức giá trên 100 triệu đồng/m2. Ví dụ, một căn nhà tập thể tại đây có diện tích trên sổ đỏ là 30m2 đang được rao bán giá 3,58 tỷ đồng, tương đương hơn 119 triệu đồng/m2. Người bán cho biết, do chủ nhà cần tiền nên bán nhanh với mức giá đó.
Tại khu tập thể phố Trung Tự (quận Đống Đa, TP Hà Nội), một căn nhà có diện tích trên sổ đỏ là 35m2 đang được rao bán với giá 3,9 tỷ đồng, tương đương hơn 111 triệu đồng/m2. Tại khu tập thể tại phố Kim Mã Thượng (quận Ba Đình, TP Hà Nội), một căn nhà có diện tích trên sổ đỏ là 43m2 đang được rao bán với giá 4,2 tỷ đồng, tương đương 97,7 triệu đồng/m2.
Trong bối cảnh giá nhà Hà Nội liên tục tăng cao, anh Nguyễn Khắc Tú (quê Nam Định) tính toán tìm mua những căn nhà tập thể cũ có thể mức giá sẽ mềm hơn. Tuy nhiên, sau khi đi xem nhiều căn nhà tại các khu tập thể, anh tỏ ra choáng váng vì mức giá quá cao và không tương xứng giá trị.
“Rất nhiều căn nhà tập thể có tuổi đời trên 50 năm nhưng được rao bán với giá 100-150 triệu đồng/m2. Chưa kể, không gian sống bí bách, mua những căn nhà này về sẽ rất tốn tiền để sửa chữa. Thấy vậy gia đình tôi đã vội từ bỏ ý định mua nhà tập thể”, anh nói.
Với giá bán từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/m2, nhiều căn nhà tập thể đã ngang ngửa với giá các căn chung cư cao cấp, hạng sang tại Hà Nội. Bên cạnh đó, các căn nhà tập thể thường có diện tích trên sổ đỏ bé và được cơi nới thêm diện tích sử dụng.
Chuyên gia: Nhiều rủi ro khi mua tập thể cũ
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) – đánh giá, nguyên nhân khiến giá nhà tập thể tăng cao do có vị trí nằm tại trung tâm. Bên cạnh đó, việc giá của phân khúc này cao còn do ảnh hưởng từ giá chung cư và nhà trong ngõ thời gian qua. Tuy nhiên, một số căn nhà tập thể được rao bán với mức giá phi lý.
Ông cho rằng, người mua phân khúc nhà tập thể cũ cũng cần chú ý đến diện tích thực, diện tích cơi nới khi mua. Bởi trong quá trình sinh sống, có không ít hộ dân đã cơi nới thêm “chuồng cọp, lồng chim” rộng hàng chục m2 với nhiều rủi ro.
Đáng chú ý, phần diện tích cơi nới của nhà tập thể thường sẽ không nằm trong diện tích được cấp theo sổ đỏ, không được xem xét khi chuyển nhượng hoặc trong bồi thường khi khu nhà tập thể phải phá dỡ, xây dựng lại. Bên cạnh đó, những căn hộ tập thể đều không có hệ thống phòng cháy chữa cháy nên không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
“Những khu tập thể cũ có thể giải quyết được chỗ ở cho người dân nhưng có rất nhiều rủi ro khác. Do đó, người mua cần cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền”, ông nói.
Ông Nguyễn Thế Điệp – Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội – cho rằng, không phủ nhận các căn nhà tập thể cũ đều nằm ở vị trí “đất vàng”. Tuy nhiên, các căn hộ này đều đã xuống cấp nặng, nên người mua sẽ phải chi thêm rất nhiều tiền để cải tạo.
Bên cạnh đó, các căn hộ này đều được cơi nới rộng, còn thực tế diện tích trên sổ đỏ sẽ rất nhỏ. Do đó, nếu như Nhà nước xây dựng lại khu tập thể, diện tích chênh lệch ngoài sổ đỏ sẽ không được đền bù.