Vừa qua, đại diện cử tri, nhân dân hiện sinh sống tại tổ dân phố số 9 (phường Phú Khánh, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) bức xúc phản ánh đến Báo Lao Động, nhà máy chế xuất hoa hòe của Công ty CP An Huy (trụ sở tại đường Trần Thị Dung, Khu công nghiệp Phúc Khánh, TP Thái Bình) trong quá trình hoạt động đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của nhân dân xung quanh.
Ông Trần Minh (sinh năm 1988, trú tại tổ dân phố số 9, phường Phú Khánh, TP Thái Bình) – cho biết: “Nhà tôi nằm sát cạnh, quay lưng ra phía nhà máy. Đây là một trong những đơn vị đầu tiên về hoạt động sản xuất kinh doanh trong Khu công nghiệp Phúc Khánh. Từ hàng chục năm qua, nhà máy hoạt động nhưng không xả thải đúng quy định mà gần như toàn bộ nước thải sản xuất chảy trực tiếp ra rãnh thoát nước cũ trước đây của nhân dân, gây mùi hôi thối, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của gia đình tôi và các hộ xung quanh. Đáng nói, đường rãnh thoát nước thải này lại chảy trực tiếp ra sông Kiến Giang (thường gọi là sông Pari) rất nguy hại”.
Vẫn theo ông Minh: “Quá trình nhà máy hoạt động, mùi của hoa hòe và hóa chất sử dụng để chế xuất rất nồng, nhiều lúc gia đình tôi muốn nghẹt thở. Nhà thì có người già ốm yếu, trẻ con. Chưa hết, họ còn xếp, chất nhiều thùng phuy nhựa màu xanh cỡ lớn, không hiểu là hóa chất gì đó phía sau nhà máy, sát khu dân cư. Nhiều lúc tôi lên ban công tầng 2 mà mắt cay xè, đến sắt thép B40 mà còn bị han, mủn”.
Trước các nội dung phản ánh nói trên, sáng 28.11, PV Lao Động đã tìm đến khu vực đặt nhà máy chế xuất hoa hòe của Công ty CP An Huy cũng như khu dân cư thuộc tổ dân phố số 9, phường Phú Khánh để ghi nhận, xác minh thông tin vụ việc.
Từ ban công tầng 2 nhà ông Minh, theo quan sát của PV, nhà máy chế xuất hoa hòe nói trên đang hoạt động với một số công nhân, tiếng máy móc chạy rầm rầm.
Ngay lập tức, chúng tôi cùng cảm nhận được mùi ngái nồng đặc trưng của hoa hòe, xen lẫn đó là mùi của hóa chất, phụ gia phục vụ chế xuất.
Quá trình chiết xuất, đúng là có lượng lớn chất thải màu vàng vô tư chảy xuống, lộ thiên, không được che đậy khép kín và trôi xuống rãnh thoát nước sát cạnh nhà máy.
Bã hoa hòe sau khi đã chắt hết tinh chất cũng được tập kết thành đống lớn, nằm lộ thiên ngay bên ngoài ban công tầng 2 nhà máy.
Phía dưới đất, có nhiều thùng phuy nhựa màu xanh được xếp thành hàng, chỉ được che đậy sơ sài bằng những tấm lợp bờ – rô xi – măng.
Theo chân ông Minh tiếp tục di chuyển ra ống cống nước thải dẫn từ tổ dân phố số 9 ra sông Pari, chúng tôi nhận thấy rằng ngay tại mang cống này có mùi đặc trưng của hoa hòe, dù miệng cống cách phía nhà máy hàng trăm mét.
Chiều 28.11, trao đổi với PV Lao Động qua điện thoại, ông Vũ Anh Tuấn – Chủ tịch UBND phường Phú Khánh, TP.Thái Bình – cho biết: “Trước đây, khi nhân dân có ý kiến chúng tôi đã vào làm việc với nhà máy thì chưa phát hiện vi phạm. Khoảng mấy năm trở lại đây, nhà máy hoạt động bập bõm, nhiều thời điểm đã dừng hoạt động. Nay có phản ánh như vậy, có thể họ đã hoạt động trở lại.
Mặc dù thẩm quyền quản lý là của Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh, thế nhưng với trách nhiệm quản lý địa giới hành chính địa bàn, sau đây chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức kiểm tra, xử lý sao cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp không được gây ảnh hưởng đến môi trường sống của nhân dân, cử tri”.