Điều gì đang xảy ra với giá vàng?
Các chuyên gia cho rằng sự dịch chuyển đầu tư mang tính thời điểm của các nhà giao dịch là nguyên nhân chính khiến giá kim loại quý thế giới lao dốc, thủng mốc 2.600 USD/ounce.
Giá vàng thế giới vừa rớt thủng mốc 2.600 USD/ounce. Ảnh: Linkedin.
Trong phiên giao dịch ngày 12/11 (theo giờ Mỹ), giá vàng thế giới chính thức lao dốc thủng mốc 2.600 USD/ounce. Có thời điểm, giá kim quý còn rơi chạm ngưỡng 2.590 USD, thấp nhất kể từ trung tuần tháng 9 đến nay.
Tuần trước, kim loại quý thế giới cũng đã ghi nhận tuần giao dịch tệ nhất 5 tháng, sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 2.
Tính từ đỉnh gần nhất 2.800 USD/ounce ghi nhận hồi cuối tháng 10, giá vàng thế giới đã giảm gần 200 USD mỗi ounce, tương đương mức giảm ròng 7%.
Nguyên nhân giá vàng giảm sâu
Theo ông Trần Duy Khánh, chuyên gia phân tích tại New World Group, sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ sau sự kiện bầu cử vừa qua, kỳ vọng về tăng trưởng kinh tế và lạm phát cao hơn là lý do chính thúc đẩy lợi suất trái phiếu, đồng bạc xanh tăng giá mạnh, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới giá vàng.
Khi nền kinh tế có triển vọng tăng trưởng, đặc biệt dưới sự dẫn dắt của tổng thống mới có xu hướng ưu tiên kinh tế nội địa như ông Trump, các nhà đầu tư có xu hướng chuyển vốn sang các tài sản rủi ro hơn như cổ phiếu, khiến nhu cầu về vàng – một tài sản trú ẩn an toàn – giảm sút.
“Giá vàng lại có mối quan hệ tỷ lệ nghịch với USD, tức là khi đồng USD tăng vàng thường giảm và ngược lại. Điều này xảy ra do vàng được định giá bằng đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế, khi USD mạnh lên, giá trị tương đối của vàng sẽ giảm đối với các nhà đầu tư sử dụng ngoại tệ khác”, ông Khánh chỉ ra.Vào ngày ông Trump đắc cử, đồng USD đã ghi nhận mức tăng ròng tới gần 2% so với nhiều loại tiền tệ chính khác, làm cho kim quý càng chịu áp lực giảm giá.
Giá vàng thế giới đã lao dốc gần 200 USD/ounce từ đỉnh cuối tháng 10. Ảnh: Tradingview.
Dẫn phân tích từ 3Fourteen Research, ông Khánh cho biết hiện nhiều nhà phân tích quốc tế kỳ vọng lợi suất trung bình của chỉ số S&P 500 sẽ ở mức 12,5%/năm từ nay đến năm 2026, một mức kỳ vọng khá cao.
“Điều này hợp lý hóa xu hướng dòng tiền thoái lui khỏi vàng và tìm đến các kênh khác rủi ro hơn trong thời gian vừa qua”, ông Khánh nói thêm.
Ngoài các lý do trên, ông Nguyễn An Huy, Tổ trưởng Tổ tư vấn Tài chính cá nhân tại Công ty CP Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT cho rằng việc tổng thống mới của Mỹ với lời hứa ưu tiên cho nền kinh tế nội địa (Make American Great Again) sẽ làm cho các tài sản hưởng lợi từ sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ tăng mạnh.
Các tài sản này có thể kể tới như cổ phiếu doanh nghiệp Mỹ, qua đó gián tiếp làm giảm đi sức hấp dẫn của vàng.
Chỉ là đợt giảm ngắn hạn
Dù giá vàng thế giới đã giảm xấp xỉ 200 USD/ounce trong các phiên giao dịch vừa qua, các chuyên gia đều cho rằng đây chỉ là đợt giảm giá ngắn hạn sau một chu kỳ tăng dài của mặt hàng này.
Cùng với chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), một yếu tố vĩ mô là tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng sẽ quyết định xu hướng dài hạn của vàng. Khả năng kim quý quay lại mức 2.800 USD/ounce phụ thuộc vào các yếu tố bất ổn địa chính trị và lo ngại về lạm phát.
Ông Trần Duy Khánh cho rằng nếu lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài, áp lực giảm sẽ tiếp tục với giá vàng. Trường hợp Fed thay đổi quan điểm chính sách tiền tệ, giá vàng có thể quay lại đỉnh cũ.
“Khả năng vàng quay trở lại mốc 2.800 USD/ounce sẽ phụ thuộc lớn vào tình hình kinh tế và mức độ không chắc chắn của thị trường tài chính”, ông Khánh nói thêm.
Ngoài ra, giá vàng thế giới cũng có thể phục hồi nhẹ trong ngắn hạn nếu nhu cầu tài sản trú ẩn trở lại. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và lợi suất trái phiếu giữ ở mức cao, giá vàng có thể đối mặt với áp lực giảm thêm trong vài tháng tới.
Với góc nhìn về lập kế hoạch tài chính cá nhân, ông Nguyễn An Huy nhấn mạnh khác với chứng chỉ quỹ, cổ phiếu và bất động sản dân sinh, tỷ suất sinh lời về dài hạn của vàng rất khó để xác định.
“Vàng không nên được ưu tiên để làm công cụ hoạch định các mục tiêu tài chính cá nhân. Vàng chỉ nên là tài sản dự phòng trước các rủi ro địa chính trị. Nhà đầu tư chỉ nên phân bổ 5-10% tổng tài sản vào mặt hàng này”, ông Huy đưa lời khuyên.