‘Ðᴜ̛́т ɡᴀ́пһ’ ɡɪᴀ̂́ᴄ ᴍᴏ̛ пһᴀ̀ ʜᴀ̀ ɴᴏ̣̂ɪ, ᴠᴏ̛̣ ᴄһᴏ̂̀пɡ ᴠᴇ̂̀ хᴀ̂ʏ Ьɪᴇ̣̂т тһᴜ̛̣ ᴏ̛̉ զᴜᴇ̂

‘Đứt gánh’ giấc mơ nhà Hà Nội, Vợ chồng trẻ ‘ôm tiền’ về quê xây biệt thự khủng

Nam ĐịnhGần hai tháng tham khảo thị trường, vợ chồng anh Sang nhận ra hơn 3 tỷ đồng của mình chỉ mua được căn nhà 30 m2 trong ngõ sâu nên đành ôm tiền về quê.

“Số tiền đó là thành quả của hơn 5 năm buôn rau từ Nam Định lên Hà Nội. Nếu đổ hết vào ngôi nhà ‘bé như cái lỗ mũi’ ở thủ đô thì phí phạm quá”, anh Cao Sang, 35 tuổi, quê Hải Hậu, Nam Định nói.

Ngôi nhà của gia đình anh Sang ở Hải Hậu, Nam Định đã xây từ những năm 1980. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngôi nhà của gia đình anh Sang ở Hải Hậu, Nam Định đã xây từ những năm 1980. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trước đây vợ chồng anh làm công nhân ở quận Long Biên, Hà Nội. Vì là con trai duy nhất nên anh Sang thường xuyên phải về quê lo việc lớn nhỏ.

“Mỗi lần về, tôi hay mang rau ở quê ra vì rẻ hơn Hà Nội rất nhiều. Một lần tôi nghĩ sao không mang rau lên phố bán?”, anh Sang kể.

Tháng 7/2019, vợ chồng anh thuê một ngôi nhà ở phố, mở cửa hàng bán rau. Dịch Covid bùng phát, sạp rau của họ bỗng ăn nên làm ra.

Nguồn hàng từ quê không đủ đáp ứng, họ chuyển sang nhập từ các chợ đầu mối. Trong suốt những năm dịch, bất kể mưa nắng, anh Sang đều rời nhà từ nửa đêm, rong ruổi qua hai chợ để gom hàng. Dịch bệnh nên các gia đình đều tích trữ rau củ khiến giá trị các đơn hàng có thể lên vài trăm nghìn đồng. “Cao điểm, chúng tôi lãi hơn 20 triệu đồng một ngày” anh Sang chia sẻ. Không thạo việc đầu tư, họ chọn mua vàng tích trữ.

Nhiều năm ra Hà Nội nhưng thu nhập của họ chỉ đủ ăn nhưng khi chuyển sang bán rau, họ có tài sản tích lũy. “Từ lúc đó chúng tôi đã nuôi giấc mơ mua nhà Hà Nội“, Sang nói.

Khi dịch qua đi, cửa hàng rau vẫn duy trì sức mua ổn định nhờ lượng khách quen. Mỗi tháng, họ lãi khoảng 50 triệu đồng.

Đến tháng 9/2023, vợ chồng nhẩm tính số vàng tích lũy có thể mua được một ngôi nhà khoảng 40 m2 ở quận Long Biên, mở cửa hàng được. Song do thời điểm cuối năm bận bịu, họ đành để qua Tết.

Nhưng đó là quyết định sai lầm. Từ sau Tết Giáp Thìn, giá nhà Hà Nội liên tục tăng phi mã. Quận Long Biên, khu vực phía Đông Hà Nội, nhiều tháng liền là điểm nóng.

Báo cáo quý II của Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng OneHousing, cho thấy giao dịch nhà đất tại Long Biên tăng đột biến lên đến 93% so với quý I, vượt qua Hà Đông để trở thành quận có giao dịch nhiều nhất trong tháng 5 và tháng 6. Nửa đầu năm, có hơn 4.000 giao dịch nhà đất ở quận này, trong đó hơn một nửa chọn phân khúc dưới 5 tỷ đồng.

Ngôi nhà ở quê của anh Sang trong quá trình xây dựng, tháng 9/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngôi nhà ở quê của anh Sang trong quá trình xây dựng, tháng 9/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gần hai tháng đi xem khoảng 20 căn nhà, Sang cho biết bị choáng ngợp bởi mức giá phi lý. Anh nhận ra một số trường hợp môi giới “làm trò” với chủ nhà, định “lùa gà” người mua. Dù rất cố gắng, những căn phù hợp với túi tiền của vợ chồng anh chỉ nằm sâu trong những con hẻm sâu hun hút.

Đỉnh điểm một lần Sang đi xem căn nhà có giá rao ban đầu 3,4 tỷ đồng. Đến nơi chủ nhà hét giá lên 3,8 tỷ. Anh chán nản nói với vợ: “Mồ hôi công sức bao năm trời mới để dành được vài tỷ, nhưng giá nhà không ngừng nhảy múa như phủi sạch mọi cố gắng của hai vợ chồng”. Lúc đó, chị Trang bất ngờ nói: “Hay mình về quê xây nhà”.

Lời đề nghị của vợ khiến anh Sang sực nhớ đến ước mơ xây ngôi nhà khang trang ở quê cho cha mẹ dưỡng già. “Tôi quyết định từ bỏ giấc mơ mua nhà thủ đô, trở về nơi khởi đầu”, anh nói.

Cao Sang gọi về thông báo với bố mẹ. Ông bà bất ngờ và ủng hộ kế hoạch của con. Hơn 40 năm nay họ sống trong ngôi nhà cấp bốn nhỏ, đã vài lần sơn sửa chắp vá để ở tạm. Cả đời tần tảo làm ruộng nuôi nấng các con, ông bà chưa bao giờ mơ được sống trong ngôi nhà mới.

Vợ chồng anh Sang bán toàn bộ số vàng tích góp. Số vàng mua từ năm 2020 giờ đã tăng gần gấp đôi, mang cho họ một khoản tiền đáng kể.

Tháng 4/2024, ngôi biệt thự bắt đầu được xây dựng trên nền nhà cũ. Sau hơn 6 tháng, công trình hoàn thiện với 5 phòng ngủ, 3 nhà vệ sinh, phòng khách, phòng thờ trên tổng diện tích 400 m2.

Họ xây một thêm một khu nhà ăn và vệ sinh riêng biệt 40 m2. Sân trước lát đá tự nhiên, cạnh đó là một chiếc ao có vọng gác thư giãn. Tổng chi phí gần 3,8 tỷ đồng, hoàn toàn từ tiền tích lũy, không phải vay mượn.

Đối với Sang, điều quý giá nhất là niềm vui trên khuôn mặt bố mẹ già. “Nếu ngôi nhà này giúp bố mẹ sống lâu hơn vài năm thì đây là quyết định sáng suốt nhất đời tôi,” anh nói.

Anh Sang (thứ hai từ phải qua) cùng bạn bè, trong ngày tân gia cuối tháng 11/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Sang (thứ hai từ phải qua) cùng bạn bè, trong ngày tân gia cuối tháng 11/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bình luận về quyết định của vợ chồng anh Sang, chuyên gia bất động sản Lê Quốc Kiên cho biết những người mua nhà ở thành phố thường có hai nhu cầu: sử dụng (ở, làm địa điểm kinh doanh, cho thuê) hoặc làm tích sản. Nhu cầu của anh Sang thuộc nhóm một.

Tuy nhiên, với số tiền hơn 3 tỷ đồng chỉ đủ mua căn dưới 40 m2 trong những ngõ nhỏ và sâu ở Hà Nội, phù hợp làm tích sản, chứ không ở kết hợp buôn bán. Quyết định mang tiền về xây nhà ở quê của anh Sang là có thể hiểu được.

Về quy mô xây nhà ở quê, mỗi người có một nhu cầu riêng. Có người sử dụng một phần tiền để xây, một phần mua mảnh đất nhỏ khác để tích trữ tài sản; lại có những người chi toàn bộ tài sản xây nhà. “Không có đúng sai ở đây. Hơn nữa chi phí xây nhà thực tế cũng là một dạng tài sản để dành, tăng giá trị bất động sản và có thể thế chấp ngân hàng vay 70% khi cần”, ông Kiên nói.

Chuyên gia này cũng cho biết hai năm nay giá nhà ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM đang ở mức cao, mặc dù chưa có một thống kê chính thức vẫn có thể quan sát được nhiều gia đình dần chuyển hướng về các đô thị nhỏ hay quê nhà. Giao thông thuận tiện và sự phát triển của các khu công nghiệp cũng góp phần thu hẹp khoảng cách giữa quê và phố.

Đối với vợ chồng anh Sang, quyết định xây nhà ở quê không đồng nghĩa từ bỏ cơ hội kiếm tiền ở phố. Hơn 6 năm nay họ vẫn thuê ngôi nhà hai tầng 50 m2 ở quận Long Biên vừa để ở và kinh doanh, giá thuê tăng từ 7 lên 9 triệu đồng. Cửa hàng của họ vừa mở rộng bán thêm hoa quả và gạo quê.

Dù chưa mua được nhà Hà Nội, vợ chồng Sang không thấy tiếc. Họ cho biết giá nhà Hà Nội “quá phi lý” nhưng vài năm nữa, khi mọi thứ ổn định, có thể cân nhắc lại.

“Chúng tôi kiếm được đồng tiền khó khăn nên càng phải biết cân đối chi tiêu để đảm bảo mọi thứ bền vững”, anh nói.

Phan Dương