Hà Tĩnh mưa lớn, nguy cơ ngập lụt vùng trũng
Hà Tĩnh – Theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, từ ngày 27 – 28.10, địa phương này có mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến 100 – 200 mm, có nơi trên 250 mm.
Cũng theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, ảnh hưởng bão số 6, từ sáng ngày 27.10, trên đất liền khu vực Hà Tĩnh có gió cấp 4, cấp 5, ven biển cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8.
Với lượng mưa lớn phổ biến 100 – 200 mm, phía nam có nơi trên 250 mm nên tại Hà Tĩnh có nguy cơ ngập lụt ở vùng trũng thấp, sạt lở ở vùng núi.
Ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động, từ rạng sáng 27.10, tại Hà Tĩnh đã có mưa lớn, trên nhiều đồng ruộng nước đã ngập lớn dần.
Mưa to kèm gió lớn, nhiều người ra đường phải mặc đồ ấm.
Trước đó, ngày 25.10, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành công điện chỉ đạo chủ động ứng phó với bão số 6.
Chủ tịch tỉnh giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh chủ trì phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh, Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển và UBND các huyện, thị xã ven biển theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão.
Thông báo ngay cho chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú bão.
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chủ động tổ chức theo dõi sát, cập nhật thông tin dự báo và tình hình bão, mưa, lũ có thể xảy ra để kịp thời chỉ đạo.
Rà soát, cập nhật phương án ứng phó thiên tai, bão lũ trên địa bàn để triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” theo chức năng, nhiệm vụ được giao, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Tiến hành kiểm tra, rà soát ngay tất cả các vị trí có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu, các vị trí thượng, hạ lưu các cầu, cống, hầm chui của Dự án đường cao tốc Bắc Nam để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả.
Tổ chức rà soát các hộ dân, số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra bão, nước dâng, ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu nếu có thiên tai xảy ra.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, đê điều; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.
Chủ động triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đang thi công dang dở, đề phòng mưa lớn gây sạt lở, làm ách tắc giao thông; cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu.