Cụ thể, theo Thông tư 17 và Quyết định 2345 của NHNN, người dùng phải xác thực thông tin sinh trắc học khớp đúng với dữ liệu của CCCD gắn chip trên ứng dụng ngân hàng. Thống kê cho thấy, nhiều trường hợp tài khoản ngân hàng bị khóa do thông tin đăng ký mở tài khoản không trùng khớp với dữ liệu trên CCCD gắn chip.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 13 Thông tư 17 cũng quy định một số trường hợp khách hàng có thể bị khóa tài khoản ngân hàng.
Trường hợp 1: Ngân hàng có thể đơn phương khóa tài khoản nếu phát hiện khách hàng sử dụng giấy tờ giả, mạo danh để mở tài khoản. Để khôi phục lại tài khoản trong trường hợp này, khách hàng cần đến quầy giao dịch ngân hàng và cung cấp giấy tờ tùy thân hợp pháp để yêu cầu bổ sung thông tin và mở lại tài khoản. Nếu không thể khôi phục tài khoản cũ, khách hàng có thể mở tài khoản ngân hàng mới với giấy tờ hợp pháp.
Trường hợp 2: Khi tài khoản thanh toán được sử dụng cho mục đích lừa đảo, gian lận hoặc các hoạt động bất hợp pháp khác. Nếu tài khoản ngân hàng có liên quan đến các hoạt động gian lận, rửa tiền hoặc hoạt động tài chính không hợp pháp, ngân hàng có thể đóng băng hoặc khóa tài khoản để đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Trường hợp chủ tài khoản là người thực hiện các giao dịch bất hợp pháp, tài khoản sẽ bị khóa vĩnh viễn. Tuy nhiên, trường hợp kẻ gian là người thực hiện, chủ tài khoản cần đến chi nhánh ngân hàng để yêu cầu hỗ trợ, cung cấp bằng chứng chứng minh không liên quan đến các giao dịch bất hợp pháp. Sau đó, ngân hàng sẽ xác minh và hỗ trợ khách hàng mở lại tài khoản.
Trường hợp 3: Tài khoản không duy trì đủ số dư và không phát sinh giao dịch trong khoảng thời gian nhất định theo quy định. Nếu khách hàng không phát sinh giao dịch trong thời gian dài (6 – 12 tháng liên tục, tùy từng ngân hàng) và số dư tài khoản thanh toán nhỏ hơn hoặc bằng 50.000 đồng, ngân hàng có quyền khóa tài khoản.
Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp khác khiến khách hàng bị khóa tài khoản như giấy tờ tùy thân của khách hàng hết hạn, thiếu hoặc không đầy đủ theo yêu cầu, ngân hàng sẽ yêu cầu bổ sung giấy tờ còn thiếu. Trong thời hạn quy định, chủ tài khoản không đáp ứng được yêu cầu cập nhật thông tin sẽ bị khóa tài khoản.
Thêm một lý do khác khiến tài khoản ngân hàng bị khóa, đó là khi tài khoản liên quan đến một vụ án hình sự. Trong trường hợp này, cơ quan chức năng có thể yêu cầu ngân hàng khóa tài khoản để phục vụ cho công tác điều tra và bảo toàn chứng cứ.
Từ đầu tháng 10 đến nay, hàng loạt ngân hàng như VPBank, Sacombank, VietBank, SHB, TPBank… cũng phát đi thông báo đến các khách hàng về việc cập nhật giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học.
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2025, nhà băng này sẽ tạm dừng giao dịch thẻ, giao dịch thanh toán, rút tiền trên tài khoản thanh toán trong trường hợp giấy tờ tùy thân của khách hàng hết hiệu lực hoặc hết thời hạn sử dụng hoặc giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam của khách hàng hết hiệu lực.
Đồng thời, đối với giao dịch thẻ, giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử, ngân hàng này sẽ tạm dừng giao dịch khi chưa hoàn thành việc đối chiếu khớp đúng giấy tờ tùy thân và thông tin sinh trắc học của khách hàng.
Các ngân hàng khuyến nghị khách hàng chủ động cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh thời hạn cư trú tại Việt Nam còn hiệu lực và thông tin sinh trắc học tại ngân hàng đang sử dụng.