Miền núi Quảng Nam đối mặt với nguy cơ sạt lở sau bão
Miền núi Quảng Nam liên tục xuất hiện tình trạng sụt lún, nứt núi bất thường trên diện rộng, kéo theo nguy cơ cao xảy ra sạt lở núi, đe dọa hàng nghìn người dân.
Xuất hiện sụt lún bất thường
Tỉnh Quảng Nam vừa công bố tình huống khẩn cấp trước tình hình vết nứt, sụt lún nguy hiểm đến tính mạng của người dân, xảy ra tại thôn H’juh (xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang). Đây là khu dân cư thứ 2 ở Quảng Nam phải ban bố tình huống khẩn cấp do lo ngại sạt lở núi, sau thôn 56B xã Đắc Pre, huyện Nam Giang, chỉ trong vòng 14 ngày, từ ngày 11 – 25.10.
Theo ông Mạc Như Phương – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, thôn H’juh đã xuất hiện 6 – 7 vết nứt trên đồi taluy dương của mặt bằng dân cư; vết nứt có chiều dài khoảng 100 – 150m; chiều rộng khoảng 0,5 – 0,7m; độ sâu khoảng 1,7m; mới xuất hiện hiện tượng nứt tường một số công trình phụ và nứt nền nhà dân; đe dọa an toàn của 33 hộ, 135 nhân khẩu dưới chân đồi và khu vực lân cận.
Trong 2 cơn bão số 4 và số 6 vừa qua, Quảng Nam đã chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, các đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão đã làm xuất hiện nhiều điểm nứt núi, sụt lún nhà dân, trung tâm y tế, trường học bất thường ở nhiều huyện vùng cao như: Hiệp Đức, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Phước Sơn… Chính quyền phải di dân khẩn cấp hàng nghìn người dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.
Cơ quan khí tượng thủy văn Quảng Nam dự báo, cả tỉnh sẽ có mưa lớn trong những ngày tới, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập úng, sạt lở núi.
Qua kiểm tra hiện trường sạt lở tại ngọn đồi thôn 56B, xã Đắc Pre, huyện Nam Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đánh giá, nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài thì nguy cơ sạt lở rất lớn, chôn vùi cả ngôi làng. Tình hình hiện rất nguy hiểm.
Lãnh đạo Quảng Nam đã chỉ đạo huyện Nam Giang thực hiện tái định cư khẩn cấp cho 11 hộ dân, với 41 nhân khẩu thôn 56B trước Tết Nguyên đán. Tổng kinh phí để bố trí tái định cư dự kiến hơn 6 tỉ đồng và mức kinh phí hỗ trợ dự kiến khoảng 115 triệu đồng/nhà.
Rà soát khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở
Nhiều ngày qua, huyện Tây Giang đã thành lập 2 tổ công tác trực tiếp rà soát những khu vực thường xuyên xảy ra các vụ sạt lở đất nghiêm trọng những năm gần đây, xem đó là phương án tối ưu để phòng ngừa hiểm họa.
“Chúng tôi cũng huy động lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, khẩn trương thu hoạch lúa mùa, khơi thông dòng chảy tại một số điểm xung yếu và kiểm tra các sườn đồi gần khu dân cư đề phòng sạt lở, lũ quét. Lập phương án chỉ đạo ứng phó “4 tại chỗ”, đảm bảo lương thực dự trữ trong cộng đồng suốt 30 ngày” – ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết.
Các địa phương miền núi cũng lên “kịch bản” di dời nhà cửa và sơ tán hàng nghìn hộ dân tại các điểm bị ngập lụt, sạt lở đất, có nguy cơ lũ quét.
Sau trận sạt lở kinh hoàng ở Trà Leng, Nam Trà My năm 2020, khiến hàng chục người chết và mất tích, chính quyền Quảng Nam đã lên phương án sắp xếp, ổn định dân cư 2.544 hộ, giai đoạn 2021 – 2025. Tuy nhiên, qua rà soát, đã tăng thêm 769 hộ, thành 3.313 hộ.
Nguyên nhân là do sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. Một số khu dân cư trước đây được xem là an toàn, nay tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, dẫn đến tăng số hộ nằm trong vùng thiên tai. “Hiện nay trên địa bàn huyện Nam Trà My có 39 khu dân cư, với khoảng 12.000 người dân đang sinh sống vẫn hiện hữu nguy cơ sạt lở. Do đó, cần có các ứng dụng khoa học để kịp thời dự báo, nhằm chủ động xử lý tình huống và khắc phục hậu quả thiên tai” ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My đề nghị.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đã đề nghị các cấp ủy đảng, người đứng đầu các sở ngành địa phương thường trực 24/24, tiếp tục triển khai thực hiện biện pháp khẩn cấp để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, giảm nhẹ nhất thiệt hại… “An toàn cho người dân phải được đặt lên hàng đầu. Tôi không muốn sau bão có cán bộ bị đình chỉ, kỷ luật” Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.