Nhà máy xử lý rác tại thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương được xây dựng từ năm 2009 với mục tiêu xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề sản xuất giày da trên địa bàn xã Hoàng Diệu. Nhưng đã 15 năm trôi qua, hiện nhà máy này vẫn nằm đắp chiếu, không có dấu hiệu hoạt động.
Theo ghi nhận của Lao Động, ngày 22.11, nhà máy xử lý rác tại thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu đang trong tình trạng đóng kín, bỏ hoang. Nhiều bộ phận máy móc han gỉ, xuống cấp. Phần mái nhà bị xuống cấp, vỡ nát sau bão số 3. Tại bộ phận cống xả thải, cỏ dại mọc um tùm.
Theo bà Dương Thị Nhâm – Chủ tịch HTX vệ sinh môi trường xã Hoàng Diệu, người dân trong xã ai cũng mừng khi nhà máy rác được khởi công xây dựng, mọi người mong chờ với hy vọng sẽ có hệ thống chất lượng để xử lý rác thải từ các làng nghề làm giày. Nhưng từ năm 2009, dù đã nhiều lần được vận hành thử nghiệm, nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được hoạt động. Một công trình lớn như thế này để bỏ hoang thì rất lãng phí. Trong khi, lượng rác thải từ các làng nghề làm giày rất lớn.
“Người dân đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã Hoàng Diệu và huyện Gia Lộc mong muốn sớm có phương án sử dụng nhà máy xử lý rác để địa phương có thể giảm lượng rác thải từ các làng nghề”, bà Nhâm cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Kiên (trú tại thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu), bãi rác tập trung của thôn Phong Lâm nằm ngay cạnh lò đốt rác. Tại bãi rác này, người dân thường xuyên đốt rác, khiến không khí vô cùng ô nhiễm.
“Rác ở đây đều là từ các xưởng sản xuất giày trong thôn, rất khó phân hủy nên nhiều người dân đã chủ động đốt để tránh tình trạng bị chất đống. Có đủ các loại chất liệu làm giày như vải, cao su, nếu cứ đốt lên như vậy thì vô cùng độc hại. Trong khi đó, nhà máy rác được xây dựng để xử lý thì cứ để bỏ không”, ông Kiên cho biết.
Ông Nguyễn Đức Du – Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu cho biết, vào năm 2009, một nhà máy xử lý rác được xây dựng từ nguồn tài trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại thôn Phong Lâm, xã Hoàng Diệu. Tuy nhiên, nhà máy rác này chỉ hoạt động được trong thời gian ngắn do không đáp ứng được điều kiện tiếp nhận và xử lý loại rác thải đặc thù từ các làng nghề làm giày trên địa bàn.
Theo ông Du, dù đã sửa chữa và thử nghiệm nhiều lần nhưng nhà máy vẫn không đạt được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh môi trường. Việc cải tiến nhà máy vẫn gặp khó khăn do công nghệ cũ và chi phí nâng cấp lớn. Vì vậy, trong suốt nhiều năm qua, nhà máy vẫn chưa thể đưa vào hoạt động trở lại.
Hiện, UBND xã Hoàng Diệu đang xây dựng kế hoạch sửa chữa và nâng cấp nhà máy với mục tiêu tái sử dụng nhằm giảm thiểu lượng rác thải trong xã, tránh để công trình này tiếp tục bị lãng phí.
“Trong thời gian lên kế hoạch, UBND xã đã tuyên truyền người dân không được phép đốt rác. Đồng thời, xã cũng đang kết nối với các đơn vị xử lý rác khác để lên phương án vận chuyển rác thải trên địa bàn đi nơi khác xử lý”, ông Du cho biết thêm.