(Dân trí) – Để đảm bảo vận hành êm thuận, phù hợp với tổng thể của Dự án đường sắt tốc độ cao, tỉnh Nam Định sẽ phối hợp với Bộ GTVT rà soát, có thể điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga đoạn qua tỉnh Nam Định.
Rà soát, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga đoạn chạy qua tỉnh Nam Định
Ông Đinh Mai Hưng, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông, Sở GTVT tỉnh Nam Định, cho biết: “Có thể sẽ có tinh chỉnh nhỏ ở vị trí ga đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Nam Định. Vị trí ga không nhất thiết phải đặt ở địa bàn phường Hưng Lộc, TP Nam Định như báo cáo tiền khả thi, mà tìm vị trí phù hợp nhất, làm sao cho thẳng nhất có thể”.
Cụ thể, UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT về việc tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước về hướng tuyến, vị trí nhà ga qua địa bàn tỉnh Nam Định – Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (dự án).
Văn bản nêu rõ, trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án đến nay đã có những thay đổi cơ bản trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi so với trước đây, trong đó có tốc độ tàu (350km/h thay vì 250km/h).
Hội đồng thẩm định đã đề nghị Bộ GTVT giải trình rõ các yếu tố về kỹ thuật đảm bảo hướng tuyến thẳng nhất có thể để giảm chi phí (đặc biệt là đoạn chạy qua Nam Định), bảo đảm tốc độ khai thác cho các đoàn tàu, tạo không gian phát triển mới…
Đồng thời đề nghị Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với các địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua rà soát, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga của dự án.
UBND tỉnh Nam Định thống nhất với ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước để đảm bảo vận hành êm thuận hơn, phù hợp hơn với tổng thể dự án. Trong bước tiếp theo (lập báo cáo nghiên cứu khả thi), tỉnh Nam Định sẽ phối hợp với Bộ GTVT rà soát, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga của dự án đoạn qua tỉnh Nam Định.
Trước đó, UBND tỉnh Nam Định đã có văn bản gửi Bộ KH&ĐT nêu ý kiến về vị trí ga Nam Định trong hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Địa phương này cho biết Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng tầm nhìn 2050 đã xác định TP Nam Định là trung tâm tiểu vùng phía nam, gắn với hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình, là đầu mối liên kết vùng về đường sắt Bắc – Nam và đường sắt kết nối Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh.
Việc điều chỉnh hướng tuyến và vị trí nhà ga sẽ không chỉ phá vỡ hệ thống quy hoạch của tỉnh Nam Định mà còn ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đời sống nhân dân của địa phương và khu vực các tỉnh lân cận như Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình…
Do đó, địa phương đề nghị giữ nguyên hướng tuyến và vị trí nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua tỉnh Nam Định tại địa bàn phường Hưng Lộc như đã nêu trong báo cáo tiền khả thi.
Nguyện vọng của người dân thành Nam
Nói về việc đường sắt tốc độ cao đang gây tranh luận về việc vị trí ga đặt tại Nam Định, nhiều người dân ở Nam Định cho rằng việc này rất hợp lý và đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như phát triển kinh tế của tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, người dân TP Nam Định, chia sẻ: “Tôi thấy rất nhiều tranh luận về việc đường sắt tốc độ cao chạy qua Nam Định. Nhưng nếu chạy thẳng thì những người dân ở Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, thậm chí cả Hải Phòng, sẽ rất mất thời gian đi đến Hà Nam, Hà Nội hoặc Ninh Bình để được đi tàu tốc độ cao”.
Ông Lê Văn Bảo, quê Hải Phòng, đến ga Nam Định chờ chuyến tàu đi vào Đà Nẵng, cho biết: “Từ trước đến nay tôi đi vào Đà Nẵng hay TPHCM tôi đều đi tàu, nếu Nam Định có ga đường sắt tốc độ cao thì sau này việc di chuyển tôi sẽ càng thuận lợi hơn nữa.
Theo dự báo đến năm 2050, nhu cầu đi và đến ga Nam Định khoảng 3 triệu khách/năm. Nam Định cũng là đầu mối có nhu cầu vận tải rất lớn; đặt ga ở Nam Định sẽ giúp người dân ở các tỉnh như Thái Bình, Hưng Yên và một phần Hà Nam đi lại thuận tiện hơn rất nhiều.
Thống kê của ga Nam Định, trung bình mỗi ngày ga đón trên dưới 1.000 lượt khách, trong đó ngày cao điểm có gần 2.000 lượt khách.
Số chuyến tàu trung bình hiện nay qua ga Nam Định là 16-20 chuyến/ngày.
Nhiều người dân cũng cho rằng việc đặt ga đường sắt tốc độ cao ở Nam Định sẽ giúp kết nối các trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ và các trung tâm cảng biển, tạo thành trục động lực phát triển nhảy vọt kinh tế, xã hội của tỉnh Nam Định nói riêng và Nam đồng bằng sông Hồng nói chung.