Trong giai đoạn 2 vụ án chuyến bay giải cứu, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 17 bị can về các tội danh Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Che giấu tội phạm; Đưa hối lộ.
Quá trình điều tra, nhiều bị can đã chủ động nộp lại số tiền hưởng lợi, khắc phục hậu quả vụ án.
Theo kết luận điều tra, người duy nhất bị đề nghị truy tố về 2 tội danh ở giai đoạn 2 là ông Trần Tùng, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên, đã nhận hối lộ hơn 4,4 tỷ đồng và hưởng lợi bất chính 3,27 tỷ đồng từ hành vi Lợi dụng chức vụ quyền hạn, làm trái công vụ.
Ông Tùng được ghi nhận tự nguyện nộp lại 700 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Bị đề nghị truy tố tội Đưa hối lộ, cựu Phó phòng Vận tải Hàng không (Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải) Vũ Hồng Quang là người hưởng lợi nhiều nhất trong các bị can ở giai đoạn 2 – gần 20 tỷ đồng.
Bị can này trong quá trình bị điều tra đã tự nguyện nộp lại 8 tỷ đồng.
Cùng bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ, các ông Nguyễn Văn Văn (cựu Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam), Lê Ngọc Tường (cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam) và Nguyễn Mạnh Trường (cựu chuyên viên Phòng vận tải Hàng không) lần lượt nhận 450 triệu đồng, 400 triệu đồng và 244 triệu đồng.
Quá trình điều tra vụ án, 3 bị can này đều chủ động nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ trên.
Bị can Lê Thị Phượng, cựu chuyên viên Phòng Khoa giáo Văn xã, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, bị cáo buộc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thỏa thuận nhận hối lộ 650 triệu đồng để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Hải Dương ban hành 2 công văn chấp thuận cách ly y tế cho 2 doanh nghiệp.
Theo kết luận điều tra, giai đoạn 1 vụ án, Lê Thị Phượng không thừa nhận sai phạm, nhưng sau đó bị can đã thừa nhận hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tự nguyện nộp 600 triệu đồng.
Về phía các bị can Đưa hối lộ, là các chủ doanh nghiệp, kết luận điều tra chỉ ra họ hưởng lợi từ vài trăm triệu đồng đến nhiều tỷ đồng thông qua việc đưa công dân về nước.
Cụ thể, Nguyễn Mạnh Cương (Nguyên Trưởng phòng Thương mại điện tử, Công ty cổ phần thương mại hàng không Vietjet) hưởng lợi hơn 2 tỷ đồng, nộp lại toàn bộ số tiền trên; Đặng Nhật Đức (Giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan) hưởng lợi hơn 3,1 tỷ đồng, nộp lại 1 tỷ đồng;
Bùi Đăng Khoa (Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Du ngoạn Thế giới) hưởng lợi hơn 966 triệu đồng; Trương Thị Mỹ Dung (Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại dịch vụ du lịch Ánh Sao Thiên) hưởng lợi hơn 1,1 tỷ đồng; Phạm Quốc Thắng (Giám đốc Công ty TNHH PNR) hưởng lợi hơn 832 triệu đồng; Trần Thị Ngân (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ana Travel) hưởng lợi 98 triệu đồng. Những bị can này đều nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi.
Hai lao động tự do Trần Thanh Nhã và Vũ Hoàng Dũng lần lượt hưởng lợi hơn 8,2 tỷ đồng, hơn 2,8 tỷ đồng và nộp lại lần lượt 2,55 tỷ đồng và 2,8 tỷ đồng.
Bị can Trần Thị Quyên (Giám đốc Công ty Sen vàng Đất Việt) bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ, với số tiền 300 triệu đồng nhưng chưa ghi nhận nộp khắc phục hậu quả. Kết luận điều tra cho biết Quyên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mình nuôi con nhỏ.
NGUỒN: https://dantri.com.vn/phap-luat/dut-tui-76-ty-dong-cuu-pgd-so-ngoai-vu-thai-nguyen-nop-lai-chua-den-10-20241007235509122.htm